Ngày Đăng : 16/09/2022
Tác Giả : Admin
Tối ưu hóa chế độ liều kháng sinh aminoglycoside
1. Tổng quan về kháng sinh aminoglycoside
Aminoglycoside là nhóm kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn, bao gồm: amikacin, gentamycin, tobramycin, kanamycin, netilmycin, plazomicin, streptomycin và paromomycin. Aminoglycoside có tác dụng diệt khuẩn nhanh bằng cách ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn. Các kháng sinh aminoglycoside có phổ tác dụng không hoàn toàn giống nhau, tuy nhiên phổ kháng khuẩn chủ yếu của nhóm kháng sinh này là trên trực khuẩn Gram âm. Có 3 đặc điểm nổi bật của nhóm kháng sinh này bao gồm [1,2]:
+ Thứ nhất, aminoglycoside là kháng sinh phụ thuộc vào nồng độ (Cpeak/MIC) và AUC/MIC. Đây là nhóm kháng sinh mà khi đưa nồng độ cao hơn sẽ tạo ra tốc độ và mức độ diệt khuẩn lớn hơn.
+ Thứ hai, aminoglycoside là nhóm kháng sinh có tác dụng hậu kháng sinh trung bình hoặc kéo dài (PAE – Post antibiotic effect). Cụ thể, tác dụng hậu kháng sinh (PAE) là một trong những thông số dược lực học của kháng sinh, là khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn kể cả khi nồng độ kháng sinh dưới ngưỡng nồng độ ức chế tối thiểu, PAE càng dài khi nồng độ đỉnh càng cao. Ngoài ra, PAE còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: chủng vi khuẩn, MIC, khả năng diệt khuẩn của kháng sinh và khoảng thời gian vi khuẩn tiếp xúc với kháng sinh. Thông thường, PAE có thể kéo dài lên đến 8h.
+ Thứ ba, liều kháng sinh aminoglycoside phụ thuộc vào cân nặng, chức năng thận của bệnh nhân và kết quả của việc theo dõi nồng độ thuốc trong máu (TDM – therapeutic drug monitoring).
Hình 1: Các chỉ số dược động học và dược lực học các nhóm kháng sinh [1]
Trước tình hình đề kháng kháng sinh ngày càng gia tăng đối với kháng sinh nhóm beta-lactam và cephalosporin, vai trò của aminoglycoside trong điều trị nhiễm khuẩn gram âm đa kháng ngày càng được quan tâm. Tại Bệnh viện TWQĐ 108, báo cáo năm 2021 ghi nhận các mẫu phân lập vi khuẩn gram âm đề kháng cao với hầu hết các kháng sinh nhóm beta-lactam, cephalosporin thế hệ 3 và fluoroquinolone nhưng vẫn còn nhạy với các kháng sinh trong nhóm aminoglycoside, đặc biệt là amikacin. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của bác sĩ lâm sàng trong kê đơn là độc tính của nhóm kháng sinh này đặc biệt là độc tính trên thận và trên tai.
2. Tối ưu hóa chế độ liều kháng sinh nhóm Aminoglycoside
Trên lâm sàng, để tối ưu hiệu quả điều trị và giảm độc tính trên thận và trên tai do aminoglycoside gây ra, đồng thời để hạn chế tính kháng thuốc thì việc lựa chọn chế độ liều nhằm tối ưu hóa tốc độ và mức độ diệt khuẩn là một cách tiếp cận khá rộng rãi. Thực tế, có 2 chế độ liều đang được sử dụng là chế độ liều kinh điển nhiều lần/ngày (Multiple daily dose -MDD) và chế độ liều 1 lần/ngày (Once daily dose – ODD). Hiện nay, các bằng chứng lâm sàng đang ủng hộ chế độ liều 1 lần/ngày (ODD) do chứng minh mang lại tính hiệu quả cao trong điều trị và giảm thiểu độc tính trên thận và trên tai do thuốc gây ra, đồng thời giảm thao tác trong thực hành lâm sàng, giảm chi phí quản lý và giám sát liên quan [2]. Cụ thể trong 1 nghiên cứu tổng quan và phân tích gộp gồm 20 nghiên cứu trên 2881 bệnh nhân đã chứng minh chế độ liều 1 lần/ngày mang lại hiệu quả điều trị hơn có ý nghĩa thống kê so với chế độ liều nhiều lần/ngày. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng chỉ ra chế độ 1 lần/ngày làm giảm độc tính trên thận hơn chế độ liều nhiều lần/ngày [3].
Hình 2: Hiệu quả điều trị của 2 chế độ liều MDD và ODD (p=0.018)
Hình 3: Độc tính trên thận của 2 chế độ liều ODD và MDD
Dựa vào các khuyến cáo hiện nay đang ưu tiên dùng chế độ ODD. Do vậy, chúng tôi khuyến khích các bác sĩ nên ưu tiên chế độ ODD trong thực hành lâm sàng (ngoại trừ một số trường hợp trong bảng 1 sau). Dưới đây là bảng liều gợi ý theo chức năng thận của bệnh nhân theo cả 2 chế độ liều [4]:
Bảng 1: Liều gợi ý kháng sinh aminoglycoside theo chức năng thận
Tài liệu tham khảo:
- Biochemical Pharmacology (2017) “Antibiotic: Pharmacokinetics, toxicity, resistant and multidrug efflux pumps”
- Uptodate (2022), “Dosing and administration of parenteral aminoglycosides”
- Wendy J. (1996), “A meta- analysis of studies on the safety and efficacy of aminoglycosides given either once daily or as divided doses”
- Sanford Health Care Aminoglycoside Dosing Guideline (2020)