Ngày Đăng : 16/09/2022
Tác Giả : Admin
Các điểm chính trong hướng dẫn điều trị suy tim năm 2022 của AHA/ACC/HFSA
1. Suy tim liên quan nhiều đến chức năng thất trái. Hướng dẫn mới bao trùm tất cả các loại suy tim và phân loại suy tim theo phân suất tống máu như sau:
Phân loại suy tim |
Phân suất tống máu |
Suy tim phân suất tống máu giảm (Heart failure with reduced ejection fraction – HFrEF) | Phân suất tống máu thất trái (left ventricular ejection fraction – LVEF) ≤ 40% |
Suy tim phân suất tống máu hồi phục (Heart failure with improved ejection fraction – HFimpEF) | LVEF trước đây ≤ 40% và cải thiện > 40% sau khi tái đánh giá |
Suy tim phân suất tống máu giảm nhẹ (Heart failure with mildly reduced ejection fraction – HFmrEF) | LVEF 41-49% |
Suy tim phân suất tống máu bảo tồn (Heart failure with preserved ejection fraction – HFpEF) | LVEF ≥50% |
Tất cả bệnh nhân suy tim, bất kể phân suất tống máu, nên được điều trị bằng phác đồ theo hướng dẫn (guideline-directed medical therapy – GDMT)
2. Phác đồ theo hướng dẫn (GDMT) đã được mở rộng bao gồm 4 nhóm thuốc:
ARNi hiện nay được khuyến cáo là thuốc ức chế hệ renin-angiotensin đầu tay để giảm tình trạng bệnh và tỷ lệ tử vong do HFrEF (khuyến cáo 1a). ACEi được khuyến cáo khi ARNi là không phù hợp, ARB được khuyến cáo khi bệnh nhân không dung nạp ACEi và việc dùng ARNi là không phù hợp. Ở bệnh nhân HFrEF có triệu chứng mà dung nạp được ACEi hoặc ARB, khuyến cáo thay thế bằng ARNi để giảm hơn nữa tình trạng bệnh và tỷ lệ tử vong.
3. Có khuyến cáo mới về dùng SGLT2i cho bệnh nhân suy tim. Bệnh nhân HFrEF mạn tính có triệu chứng được khuyến cáo điều trị bằng SGLT2i để làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong do nguyên nhân tim mạch, dù bệnh nhân có mắc kèm đái tháo đường hay không (khuyến cáo 1a). SGLT2i cũng có thể có lợi ở bệnh nhân HFmrEF và HfpEF (khuyến cáo 2a)
4. Mặc dù còn ít dữ liệu về điều trị HFimpEF, một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên nhỏ (TRED-HF) mô tả tỷ lệ tái phát bệnh giãn cơ tim cao (44%) trong vòng 6 tháng sau khi ngưng GMDT. Vì vậy, khuyến cáo tiếp nối GMDT ở bệnh nhân HFimpEEF, kể cả những bệnh nhân không có triệu chứng, để dự phòng tái phát suy tim và suy giảm chức năng thất trái.
5. Các liệu pháp có giá trị kinh tế cao bao gồm ARNi, ACEi, ARB, chẹn β, MRA, hydralazin và isosorbid dinitrat ở người Mỹ gốc Phi, cấy máy khử rung tim (ICD) và tái đồng độ cơ tim (CRT). Trong khi SGLT2i và ghép tim được xem là có giá trị kinh tế trung bình. Liệu pháp có giá trị kinh tế thấp là tafamadis trong điều trị amyloid. Các thiết bị hỗ trợ tuần hoàn và theo dõi áp lực phổi chưa khẳng định được giá trị.
6. Bệnh nhân nghi ngờ amyloid nên được xét nghiệm sàng lọc chuỗi nhẹ đơn dòng, và nếu âm tính thì nên xạ hình xương để chẩn đoán xác định transthyretin amyloid. Khuyến cáo xét nghiệm di truyền ở bệnh nhân transthyretin amyloid để chẩn đoán phân biệt biến thể di truyền với kiểu hình hoang dại. Tafamadis được khuyến cáo cho một số bệnh nhân transthyretin amyloid kiểu hình hoang dại hoặc có biến thể để làm giảm tình trạng bệnh và tỷ lệ tử vong do tim mạch. Thuốc chống đông được xem là lựa chọn phù hợp cho bệnh nhân amyloid tim và rung nhĩ để làm giảm nguy cơ đột quỵ.
7. Dấu hiệu và triệu chứng của suy tim có thể không điển hình ở một số bệnh nhân. Vì vậy, cần có bằng chứng về việc tăng áp lực đổ đầy, phương pháp xâm lấn (huyết động) hay không xâm lấn (chẩn đoán hình ảnh đánh giá chức năng tâm trường, đo peptid lợi niệu) đều cần thiết để xác định chẩn đoán khi EF > 40%.
8. Bệnh nhân suy tim tiến triển cần được kịp thời giới thiệu đến các chuyên gia về chăm sóc bệnh nhân suy tim, để xem xét quá trình điều trị suy tim và đánh giá xem có phù hợp để áp dụng các liệu pháp điều trị cho bệnh nhân suy tim tiến triển không.
9. Suy tim là một bệnh tiến triển, điều này được nhấn mạnh qua phân loại giai đoạn A-D trong hướng dẫn mới. Hướng dẫn đưa ra thuật ngữ mới thống nhất “nguy cơ cao” và “tiền suy tim”. Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ (giai đoạn A) hoặc tiền suy tim (giai đoạn B) được khuyến cáo dự phòng tiên phát suy tim thông qua thay đổi lối sống, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và bệnh đồng mắc.
10. Kiểm soát các bệnh mắc kèm ở bệnh nhân suy tim có thể mang lại lợi ích. Hướng dẫn mới đã đưa ra một số khuyến cáo cho bệnh nhân suy tim bị thiếu máu, thiếu sắt, tăng huyết áp, rối loạn giấc ngủ, đái tháo đường typ 2, rung nhĩ, bệnh mạch vành và các bệnh ác tính.
Tài liệu tham khảo
1. Heidenreich P, Bozkurt B, Aguilar D, et al. 2022 AHA/ACC/HFSA Guideline for the Management of Heart Failure. J Am Coll Cardiol. 2022 May, 79 (17) e263–e421.